Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

Hồi Ức Ngày Di Tản Tháng 3-1975

Nguyễn Trí Cảm

Phi trường Phù Cát cách thành phố Qui Nhơn khoảng 30 km về hướng Tây Bắc. Căn cứ cách Quốc lộ 1 tại ngã ba Gò Găng khoảng 2 km. Từ trong căn cứ nhìn ra xa xa chỉ thấy đồi núi vây quanh, bao quanh sân bay chỉ thấy lúp xúp những đám sim dại và cây lá trơ trụi vì thuốc khai quang để tránh sự ẩn nấp và xâm nhập của quân giải phóng, đất đá khô cằn chỉ toàn là sỏi đá ong có một màu nâu đỏ, bề mặt của đất giống như những lượn sóng cao thấp trải dài, ngoại trừ khu vực đường băng.

Xưa khi, nơi vùng đất này từng có một ngôi chùa và các tòa tháp tổ; và cả một nghĩa trang Phật giáo gần đó, nhưng đã bị Quân đội Hoa kỳ triệt hạ để phục vụ chiến tranh. Căn cứ được xây dựng vào năm 1966.




Khi kéo nhau vào, vật đầu tiên mà chúng tôi nhìn thấy là một ngôi chùa Phật Giáo và sau đó trở thành Căn Cứ Không Quân Phù Cát.

(This Buddhist Temple was the first thing we saw as we pulled in to what was to become Phu Cat Air Base)http://www.reocities.com/Pentagon/barracks/1806/

Căn cứ có tên là Căn cứ 60 Chiến thuật, thuộc Sư Đoàn 6 Không Quân, đây là căn cứ cũ của quân đội Mỹ bàn giao cho chế độ Sài Gòn trong giai đoạn Việt Nam hóa chiến tranh. Đóng quân ở đây buồn và dễ nản lòng, chỉ toàn sống trong âm thanh, ít khi có được những phút giây yên tỉnh; tiếng phi cơ cất hạ cánh xé tai, lại thêm tiếng của đạn pháo 122 ly rót bất kể đêm ngày. Đêm về, tiếng giun dế rền rỉ dai dẳng hay tiếng phi cơ vũ trang AC 47, AC 119K quần đảo trút đạn xuống đâu đó như tiếng sấm rền trong đêm.

Để nâng cao “tinh thần” binh sĩ, Khối Chiến tranh Chính trị thỉnh thoảng rước mấy ông sĩ quan tâm lý chiến đến để kể về gương chiến đấu anh dũng hay một trận thắng nào đó, hay hào hứng kể về việc tiêu diệt được bao nhiêu Việt cộng mà chẳng ai biết hư thực ra sao…hay rước một đoàn ca nhạc, có cả nhạc sĩ Duy Khánh, về căn cứ để biểu diễn, ủy lạo chiến sĩ xa nhà. Ở câu lạc bộ sĩ quan đôi khi còn có màn vũ công múa lửa, thoát y 100%, uốn éo gợi dục. Tôi không hiểu đây có phải là cách hưởng thụ văn hóa hay một cách sống thực dụng thác loạn, khi tổ chức để nâng cao tinh thần chiến đấu cho bọn lính trẻ xa nhà chúng tôi bằng cách khơi dậy những nhục dục bản năng.

Trong chương trình biểu diễn ca nhạc tổ chức ngoài trời, ít khi nào lại thiếu bản ruột lên gân cốt chúng tôi, trong đó là bài “Huynh đệ Chi binh”, lời ca nêu cao tinh thần đoàn kết trong quân ngũ như:

“Huynh đệ chi binh là gì đó anh Hai? Huynh đệ chi binh là mình cùng chung đời lính, thương nhau khác chi nhân tình!”.

Và ngày 31 tháng 3 năm 1975, ngày được lệnh di tản tôi đã vỡ lẽ ra nhiều điều.

Sau ca trực đêm, tôi trở về láng trại và được chỉ thị thu xếp gọn nhẹ để di tản. Thông tin quả là bất ngờ khi những ngày trước đó chúng tôi không hề hay biết gì, chỉ thấy dồn dập những chuyến bay tải quân từ phi trường Cù Hanh, Pleiku và Đà Nẵng đổ về. Tôi sắp xếp vội một ít quân trang, vài vật dụng cá nhân vào túi xách ma ranh (sac marine) để tập họp tại đơn vị để ra sân bay. Láng trại của tôi nằm gần cổng chính, nên khi nghe tiếng súng nổ liên hồi, lại vừa có tin di tản, tôi và vài đứa bạn chạy vội ra ngóng tình hình.

Ngay tại cổng căn cứ, lực lượng phòng thủ phi trường và cả thiết giáp án ngữ đang bắn chỉ thiên để ngăn dòng người và cũng để phòng ngừa quân du kích lẫn lộn trong dòng người này vào căn cứ. Lính tráng đủ binh chủng đang cố xông vào để tìm đường di tản trong cảnh hỗn loạn . Đạn réo trên đầu, phần đông đều hoảng sợ cúi rạp mình xuống đất tuy vậy, vẫn có một số lính tráng bất chấp các loạt đạn bắn sượt ngang trên đầu, vẫn tiến thẳng vào cổng, họ không có sự lựa chọn nào khác khi đơn vị của họ đã bị tan hàng và áp lực của quân giải phóng đang tiến đến gần, họ chính là những người hiểu rõ tình hình chiến sự nhất ...

Trên đường ra sân bay, chúng tôi có thể nhìn thấy những chiếc A 37 quần đảo khu vực Tháp Cánh Tiên, nơi có ngọn tháp Chàm trên đỉnh đồi nằm chếch về hướng Tây Bắc của sân bay và mật khu Vĩnh Thạnh ở hướng ngược lại, từng cặp chiến đấu cơ A 37 và trực thăng vũ trang quần đảo, bắn phá các vị trí của quân giải phóng để ngăn sự tiến quân của quân giải phóng tràn xuống vùng duyên hải, tiếng bom nổ và từng cột khói bốc lên trời. Chưa bao giờ chúng tôi cận kề với chiến tranh đến như vậy.

Cuộc di tản được sắp xếp tương đối trật tự, những tốp quân cảnh ngăn chận những người đang cố chen vào đoàn, vì mỗi toán quân, tôi không nhớ rõ, có lẽ là vào khoảng từ 90-100 người, đủ trọng tải cho mỗi chuyến bay. Đoàn của chúng tôi được sắp xếp lên chuyến bay C 130s Hercules để về phi trường Thành Sơn, Phan Rang, để lập vành đai bảo vệ Sài Gòn. Lúc này vào tầm khoảng 9 giờ sáng, cầu không vận hoạt động liên tục, trên bãi đậu cũng có vài chiếc C 130 khác đang cho từng tốp binh sĩ đứng theo hàng ngũ lần lượt lên tàu.


Đoàn quân lên tàu..

Phi cơ chở chúng tôi từ nhà ga ra khoảng gần đầu phi đạo, mở hết tốc lực và rùng mình cất cánh, lấy cao độ bằng cách bay vòng theo hình xoắn ốc vì gần phi đạo là cao điểm đồi 151 ở hướng Tây đang bị các chiến đấu cơ bắn phá ác liệt. Phi cơ cất cánh, đạn từ mặt đất bắn lên từ hướng vòng đai bảo vệ căn cứ của lực lượng lính thiết giáp, và phòng thủ phi trường. Viên cơ phi từ buồng lái vin lần đi xuống trấn an, và báo cho chúng tôi biết phi cơ đã bị trúng đạn.



Từ ô cửa phi cơ, chúng tôi thấy lửa bốc cháy ở động cơ bên phải, gần thân máy bay, lửa cháy theo xăng tuôn ra từ cánh máy bay ra thành vệt lửa ..Viên phi công vẫn cho động cơ bị cháy hoạt động cho đến khi lửa tắt và chong chóng ngừng quay, và sau đó động cơ trái được tắt theo tương ứng để giữ thăng bằng.. Phi cơ bay thấp vì không thể lên cao trình bình thường do đã bị thương, áp suất và nhiên liệu sẽ là vấn đề nguy hiểm cho chuyến bay nên chúng tôi có thể thấy rừng núi trùng điệp trải dài bên dưới.




C 130 Hercules bay tầm thấp. Ảnh minh họa

Tôi không biết cảm xúc của những người cùng trên chuyến bay ra sao, chỉ thấy mọi người ngồi im lìm ngoại trừ tiếng gầm của động cơ. Hơi điều áp trắng như sương phía trên thân tàu phun ra mù mịt. Thời gian bay dài như vô tận. Đã hơn 2 tiếng, tôi không biết phi cơ bay về đâu vì từ Phù Cát đến Thành Sơn thời gian bay thường chỉ khoảng 1 tiếng, cho đến khi phi cơ đảo vòng trên bầu trời Tân Sơn Nhất!. Chiếc Hercules này chỉ bay với hai động cơ thay vì bốn do trúng đạn nên không thể đáp xuống sân bay Thành Sơn như kế hoạch, vì ở đó thiếu các phương tiện cấp cứu khẩn cấp hay sửa chữa, nên đành phải đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất.

Phi cơ bay vòng trên bầu trời trước khi được phép hạ cánh. Trên cao nhìn xuống, đường băng hạ cánh trắng toát bọt chống cháy, trên các đường dẫn ra đường cất cánh (taxi way), xe cứu hỏa, cứu thương, cần cẩu nhấp nháy đèn khẩn cấp .. Phi cơ đáp sau cú rung giật mạnh và về được bến đỗ an toàn với sự hộ tống của các loại phương tiện chữa cháy và cứu thương và theo sự dẫn đường của lực lượng an ninh.


C 130 Hercules bị thương. Ảnh minh họa

Phi cơ hạ cản đuôi và chúng tôi lần lượt bước xuống theo sự hướng dẫn của toán Quân cảnh đã đứng đợi từ trước để về điểm tập trung. Tuy phần đông chúng tôi chỉ là lính kỹ thuật, nhưng đóng quân ở một cứ địa chung quanh toàn là rừng núi nên ai cũng được trang bị một súng trường AR 15 để phòng vệ và bổ sung cho các giao thông hào ngoài vành đai khi có biến động.

Có thể vì sợ đám “tàn quân” chúng tôi vào thành phố Sai gòn với trang bị súng đạn, áo giáp, nón sắt đầy mình sẽ tạo sự hoang mang trong dân chúng và gây ảnh hưởng đến tinh thần các binh sĩ khác nên chúng tôi được lệnh giao nạp lại vũ khí mà không phải làm bất cứ thủ tục giao nhận nào. Súng đạn được chất thành đống trên bến đỗ dưới sự giám sát nghiêm ngặt trước khi bước ra khỏi hàng rào an ninh..

Trong thời gian này, các chuyên viên kỹ thuật Mỹ đã bắt đầu kiểm tra những lỗ đạn ghim vào phi cơ, và đánh dấu bằng cách gắn vào những lỗ đạn trên thân phi cơ bằng những chốt có chuôi thắt dải dây đỏ. Chiếc Hercules đầu hướng vào nhà ga, hai bên thân, cánh và bụng lốm đốm những dải dây đỏ bay phất phơ. Viên phi công cho biết, căn cứ theo hướng đạn đạo là từ chính các “huynh đệ chi binh”, có lẽ trong sự tuyệt vọng, đã nhắm bắn vào đồng đội của mình, vì vào thời điểm đó, quân giải phóng chưa thể thâm nhập vào được khu vực vành đai bảo vệ sân bay vì các trực thăng vũ trang đang quần đảo khá xa khu vực vành đai để bảo vệ cuộc di tản này. Tôi không rõ số phận của những người lính này sẽ ra sao khi cần phải bảo vệ những chuyến bay di tản kế tiếp. Nhưng vài năm sau ngày 30-4, tôi gặp lại một người bạn cùng đơn vị, anh bị bắt trong ngày hôm ấy vì không kịp di tản, cho biết, những người lính này sau đó đã bị bắn chết.

Ngày di tản nằm ngoài kế hoạch đổ quân xuống Thành Sơn mà lại về Sài Gòn cũng chính là thời điểm tôi giã từ đời quân ngũ, vì sau đó, mỗi người tự định đoạt lấy số phận của mình trong cơn hoảng loạn và dồn dập các tin tức thất thủ từ những mặt trận khác. Tôi sống trong tâm trạng hoang mang, không biết là nên buồn hay vui. Bọn chúng tôi bị đẩy vào cuộc chiến từ ghế nhà trường và bị vứt ra khỏi cuộc chiến trong sự may mắn lẫn ê chề, không một định hướng, không biết sẽ bắt đầu lại từ đâu, không biết những gì sẽ chờ đợi mình.. Và cũng trong ngày định mệnh đó, sân bay Phù Cát thất thủ.

Ngẫm lại, lịch sử đã sang trang, cuộc chiến đã đi qua 37 năm, thời gian đủ để quên và đủ để hiểu sự thật về chính nghĩa của các bên tham chiến. Nhưng ở hải ngoại, một số người trong quân đội Sài Gòn cũ vẫn cố tổ chức ngày Quân Lực VNCH, với quân phục, huy chương trên ngực, dây biểu chương trên vai đủ màu xanh, đỏ, giương cờ vàng lẫn cờ hoa, cờ binh chủng. Họ luôn luôn nói đến tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất, chiến đấu “vì tổ quốc”, và rồi sau đó khi có dịp lại hội họp kêu gọi không giao thương với Việt Nam, đưa VN vào danh sách các nước cần quan tâm, không du lịch, không gửi tiền, tẩy chay hàng hóa từ trong nước v.v...Tôi tự hỏi, vậy “vì tổ quốc” là tổ quốc nào?



Trong tài liệu lịch sử viết rằng, sự ra đời của Quân Lực VNCH, mà tiền thân của nó là do Quốc hội Pháp thông qua dự luật thành lập vào trung tuần tháng 5/1950, là để phục vụ cho Liên Hiệp Pháp, nói một cách rõ hơn là để phục vụ nước Pháp và sau đó được người Mỹ nuôi dưỡng. Trong khi đó, phía bên kia chiến tuyến là Quân đội Nhân Dân Việt Nam, tiền thân của Đội Việt Nam Tuyên Truyền Giải Phóng Quân, được thành lập vào tháng 12/1944 tại Cao Bằng với mục đích chiến đấu, giành lại độc lập cho đất nước từ tay thực dân Pháp.

Phải khách quan nhìn nhận sự thật là, trong tất cả các cuộc chiến tranh của Quân đội Nhân dân đều là để chống giặc ngoại xâm, hết đánh thực dân Pháp, phát xít Nhật rồi đế quốc Mỹ, đánh bọn bành trướng Bắc Kinh trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, rồi Khmer đỏ ở biên giới Tây Nam, dẹp bọn giặc cỏ Fulro và Dega, con đẻ của Pháp và Tin lành Mỹ, ở Tây Nguyên đòi tự trị, và nay đấu tranh đòi lại quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc xâm chiếm và đang gửi từng viên đá ra đảo xa để xây dựng Trường sa, bảo vệ chủ quyền đất nước, lập chùa trên các đảo, vì đây là biểu tượng “tâm linh của cả dân tộc” như thời ông cha ta đi mở nước.

Còn quân lực Sài gòn cũ của “chúng ta” đã chiến đấu và đánh đuổi được giặc ngoại xâm nào nếu không muốn nói là chống lại sự thống nhất đất nước.



Cầu Hiền Lương cũ và Cầu Hiền Lương mới ....

nối liền đôi bờ của dòng sông Bến Hải, biểu tượng của sự chia cắt đất nước trước năm 1975

Những bậc niên trưởng ngày xưa, thay vì khuyên “thôi chiến tranh đã qua rồi, lo mà xây dựng lại cuộc sống gia đình, xây dựng lại đất nước sau bao nhiêu năm điêu tàn vì chiến tranh”, nhưng lại cứ hô hào nào là “quốc hận” với lại “mất nước” làm gì. Đừng đem cái hận thù riêng tư mà khoát lên mình tổ quốc. Chống cộng hay không là tùy nhận thức về lịch sử hay quan điểm tôn giáo của mỗi cá nhân, nhưng đừng bắt “tổ quốc” đi về phía mình để có lớp áo chính nghĩa. Thêm một số người cùng hội cùng thuyền chống cọng sản vô thần của Vatican cũng chẳng thể thay đổi được khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Đất nước được thống nhất, hòa bình rồi, sao lại buồn? Quên đi hận thù vì quê hương và để nhận thức được đâu là sự thật sao mà khó quá vậy!



Vì vậy, người viết tôi sẽ không bao giờ có thể quên được chuyến bay di tản bị bắn vào ngày 31 tháng 3 năm 1975 tại Phi trường Phù Cát, và thời gian đủ để hiểu tại sao những “huynh đệ chi binh” kia đã bắn mình, và cái giá họ phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Họ bắn vì sự bế tắc, sự lừa dối và cả sự tuyệt vọng khi bị bỏ rơi. Và tôi tin sự kiện của chuyến bay di tản này còn lưu lại trong ký ức của nhiều người; trong nhật ký phi hành hay hồ sơ kỹ thuật được lưu trữ ở đâu đó.



SG, tháng 4 năm 2012

Nguyễn Trí Cảm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét