Thứ Tư, 21 tháng 3, 2012

Những con số qua điều tra về tham nhũng ở Việt Nam

Cơ quan địa chính nhà đất đứng đầu trong tốp 10 cơ quan bị coi là tham nhũng phổ biến nhất, tiếp đến là Hải quan, xuất nhập khẩu; Công an giao thông; cán bộ tài chính, cán bộ thuế; Cơ quan quản lý, các đơn vị trong ngành xây dựng...


Vừa qua, Ban quản lý dự án nghiên cứu đấu tranh chống tham nhũng do Ban nội chính TW chủ trì với sự tài trợ của cơ quan phát triển quốc tế Thuỵ Điển đã đưa ra những con số qua kết quả điều tra tham nhũng ở Việt Nam tại một cuộc hội thảo vừa được tổ chức tại Hà Nội. Qua cuộc điều tra đã góp phần nhận diện thực trạng tham nhũng ở nước ta, phát hiện, phân loại nguyên nhân tham nhũng, đồng thời đề xuất quan điểm phương hướng và giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực hiệu quả phòng chống tham nhũng giai đoạn 2005 – 2010.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Trưởng ban nội chính TW, trưởng ban quản lý dự án nghiên cứu đấu tranh chống tham nhũng thì “đây là quốc nạn mang tính kinh tế, pháp lý chính trị, xã hội hết sức phức tạp”. Theo kết quả điều tra, cơ quan địa chính nhà đất đứng đầu trong tốp 10 cơ quan bị coi là tham nhũng phổ biến nhất, tiếp đến là Hải quan, xuất nhập khẩu; Công an giao thông; cán bộ tài chính, cán bộ thuế; Cơ quan quản lý, các đơn vị trong ngành xây dựng; Cơ quan cấp phép xây dựng; Y tế; Cơ quan kế hoạch đầu tư; Cơ quan quản lý, các đơn vị trong ngành giao thông và Công an Kinh tế. Tại Hà Nội có hơn 70% trong số những người được hỏi trả lời là đã nộp tiền ngoài quy định cho cảnh sát giao thông khi bị giữ phương tiện tham gia giao thông. Tương tự con số này ở thành phố Hồ Chí Minh hơn 40% và tỉnh Hải Dương là hơn 80%. Tại thành phố Hồ Chí Minh có gần 70% số người được hỏi trả lời là đã nộp tiền ngoài quy định cho ngành kiểm sát và toà án khi có người nhà phạm pháp. Ngoài ra phần lớn số người trả lời phải nộp thêm tiền ngoài quy định cho cơ quan y tế khi đưa người nhà đi khám chữa bệnh. Chính vì vậy trong những năm qua có thể khẳng định ở bất cứ địa phương, bộ, ngành nào cũng có đơn thư tố cáo về hành vi tham nhũng. Có đến hơn 50% số cán bộ công chức cho rằng cấp trên trực tiếp của mình có tham nhũng. Còn người dân thì nghĩ gì về hiện tượng này, ông Nguyễn Hoài Phương ở tỉnh An Giang nói: “Hiện tượng tham nhũng không khó phát hiện, dân biết được tại sao chính quyền không biết. Chỉ cần căn cứ vào tài sản của một người trước và sau khi ông ta nhận chức là đủ biết… Theo tôi, cần sớm ngăn chặn từ khi có hiện tượng”.

Cũng theo kết quả điều tra, tham nhũng trở thành chủ đề được quan tâm nhất của xã hội và là vấn đề nghiêm trọng của đất nước hiện nay. Điều này cũng dễ hiểu vì tham nhũng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, nên nó trở thành chủ đề quan tâm số 1 của người dân cũng như của cán bộ công chức nước ta. Hậu quả của vấn nạn này gây nhiều tồn thất cho Đảng, Nhà nước và những hậu quả nghiêm trọng cho mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội trên nhiều phương diện: kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường. Vì vậy, những giải pháp đưa ra nhằm chống tham nhũng có hiệu quả là rất quan trọng và cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Giải pháp trước tiên được đặt ra là nâng cao hơn nữa bản lĩnh chính trị trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Tiếp đến là thành lập cơ quan chuyên trách chống tham nhũng, cần xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật của Nhà nước, xây dựng xã hội công khai minh bạch. Nhiều ý kiến cho rằng: việc chúng ta ban hành Luật phòng chống tham nhũng tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá 11 vừa qua là thể hiện sự quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước trong phòng chống tham nhũng./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét